Tại sao Mastercard lại đổi Logo ? – Mỗi khi một công ty lớn nào đó thay đổi logo thì chúng ta đều có một câu chuyện hay đằng sau, và hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về Mastercard. Ban đầu, tổ chức này ra đời với tên gọi Tổ chức thẻ liên ngân hàng (ICA) hồi năm 1966, sau đó đổi thành Master Change vài năm và tới 1979, cái tên Mastercard chính thức xuất hiện.
Tại sao Mastercard lại đổi Logo ?
Ngày hôm nay, sau nhiều chục năm, họ bắt đầu thực hiện một thay đổi lớn với bộ nhận diện thương hiệu của mình.
Vì sao lại đổi logo và ý nghĩa là gì?
Vì sao Mastercard lại chọn thời điểm này để đổi logo mà không phải là vài năm trước hay vài năm sau? Raja Rajamannar, giám đốc truyền thông và marketing, cho hay: “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng – về công nghệ, và bối cảnh tiêu dùng, về thanh toán và cả về marketing. Ngày nay, tất cả đều xoay quanh luợng khách hàng được kết nối, và kĩ thuật số nằm ở trái tim của việc mở ra tất cả những thứ mới mẻ mà chúng ta có thể làm. Ở Mastercard, đây cũng chính là động lực để chúng tôi đưa ra những thay đổi và các sản phẩm sáng tạo, chẳng hạn như dịch vụ mua tạp hoá tại nhà, chụp ảnh để thanh toán hay các dịch vụ trả tiền số như Masterpass.” Cindy Chastain, trưởng nhóm thiết kế và trải nghiệm của Mastercard, thêm vào: “Chúng tôi cần phải phát triển trong thế giới số. Nó đơn giản, nó hiện đại và được tối ưu trong một không gian ngày càng số hóa mạnh hơn”.
Rajamannar nói thêm rằng công nghệ số cũng ảnh hưởng mạng tới chiến lược tiếp thị của tổ chức và giúp tăng tính tương tác với người dùng. “Chúng tôi không chỉ chuẩn bị mà còn cố gắng định hình tương lai. Chính vì thế, chúng tôi cảm thấy rằng giờ là lúc phù hợp để chúng tôi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhằm phản ánh khát vọng này – dựa trên 4 trụ cột cốt lõi là sự đơn giản, tính kết nối, sự dễ dàng và hiện đại.”
Vậy thông điệp mà Mastercard muốn chuyển tải tới người dùng trong đợt này là gì? “Trước tiên, chúng tôi muốn mọi người biết rằng công ty của chúng tôi đang tiến hóa. Tiến hóa cùng với họ. Sự tin tưởng, tiện lợi và an toàn mà họ đã biết tới khi sử dụng Mastercard sẽ vẫn còn đây, song song đó chúng tôi cũng liên tục sáng tạo và đẩy mạnh tương lai. Một trong những thay đổi nhỏ mà bạn có thể thấy đó là chữ C giờ đã được viết thường, như một cách để nói rằng chúng tôi không chỉ là công ty kinh doanh thẻ (card), không chỉ là một miếng nhựa trong ví của bạn.” Đây là cách mà Mastercard đưa những sản phẩm số và sản phẩm thanh toán di động của mình tới mọi người. “Chúng tôi muốn tạo ra một vẻ ngoài cá tính và độc đáo trên mọi sản phẩm, một thương hiệu mà bạn không thể nhầm lẫn, bất kể bạn đang ở đâu trên thế giới hay bạn đang xài thiết bị gì đi nữa”.
Rủi ro khi thay đổi logo
Có khá nhiều thương hiệu đã thay đổi nhận diện thương hiệu, ví dụ như Pepsi và Tropicana, để rồi chứng kiến sự sụt giảm về sự tranh thành của khách hàng. Với một tổ chức lớn như Mastercard, việc chuyển đổi nhận diện thương hiệu vẫn là một trong những thứ nguy hiểm nhất – và thường người ta thậm chí còn không dám đụng vào. John Paolini, trưởng bộ phận thiết kế của Sullivan, một công ty chuyên làm thương hiệu cho các ngân hàng và tổ chức tài chính. Theo Paolini, một thương hiệu quen thuộc và đồng nhất là cách mà các ngân hàng xây dựng niềm tin với người dùng của mình. Mọi thay đổi liên quan tới nó đều đáng sợ.
Rajamannar chia sẻ: “Có thể bạn cũng tưởng tượng ra được rằng một nỗ lực như thế này đã được thực hiện kĩ càng như thế nào, nhưng tất nhiên cũng có những rủi ro lớn đi kèm. Trên 2,3 tỉ chiếc thẻ đang được phát hành với thương hiệu của chúng tôi, hàng triệu cửa hàng, đơn vị kinh doanh đang trưng bày logo của chúng tôi, và rất nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh được sự dễ nhận biết của vòng tròn vàng đỏ lồng vào nhau. Mastercard là một trong những thương hiệu được nhận diện nhiều nhất thế giới, vậy nên chúng tôi rất cẩn thận và suy nghĩ kĩ”.
Khi đổi thương hiệu như thế này, các hãng thường sẽ tổ chức những cuộc thử nghiệm để test xem khách hàng phản hồi ra sao với logo mới. Mastercard cũng không ngoại lệ, Rajamannar cho hay công ty ông đã thực hiện thử nghiệm với rất nhiều người dùng trên toàn cầu và tất cả đều rất tích cực. Kết quả cho thấy, 80% người dùng khi được nhìn vào hai vòng tròn đè lên nhau thì nghĩ ngay tới Mastercard.
“Chúng tôi cảm thấy tốt về những gì chúng tôi đã làm. Và nên nhớ rằng, chúng tôi giữ lại tất cả những vẻ dễ nhận biết nhất của logo cũ mà người dùng sẽ liên hệ ngay về Mastercard khi họ nhìn thấy: hai vòng tròn đan xen nhau, màu đỏ và vàng đặc trưng, hay bản thân chữ mastercard”.
Sự đơn giản mang trong mình nhiều ý nghĩa
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, logo Mastercard còn có những điểm nhỏ nhỏ về mặt thiết kế rất thú vị. Trước hết, logo mới được lấy cảm hứng từ logo của chính công ty hồi năm 1979. Nhóm thiết kế chịu trách nhiệm làm mới logo này cho hay họ để ý tới cấu trúc tròn của các kí tự viết trong logo. “Mỗi chữ đều chứa đường cong, và nó cũng là một phần của hình tròn. Nó là một thứ rất giá trị vì chúng tôi đang tìm kiếm một kiểu chữ nào đó có thể dùng với nhiều độ đậm khác nhau, chủ yếu dùng các nét tròn và nhìn vẫn rõ, dễ đọc trong khi giữ được sự đơn giản”.
Chưa hết, logo của Mastercard không chỉ có màu. Nó đôi khi còn được in lên những tờ giấy trắng đen, vậy nên nhóm thiết kế phải cân chỉnh màu sao cho phần vàng không bị lẫn vào giấy trắng, trong khi phần đỏ không được quá đậm để lẫn vào màu đen. “Chúng tôi đã kiểm tra hàng trăm lần mới chọn ra được một màu đúng như mong muốn”.
Sự đơn giản trong thiết kế cũng như con chữ mà logo Mastercard mang theo chính là cách mà công ty nói với khách hàng rằng họ tốt như thế nào, họ đáng tin tưởng ra sao, và họ có thể giúp được gì trong đời sống hằng ngày của chúng tôi. “Mastercard không cố gắng trở thành một công ty có logo thật hay, thật kích thích trí sáng tạo. Chúng tôi chỉ muốn đi vào ví của mọi người. Đơn giản mà phải không?”
Nguồn: Forbes, Wired
Tại sao Mastercard lại đổi Logo ?
0 Nhận xét