Tổng hợp những công cụ cần thiết cho designer chuyên nghiệp mà iZdesigner giới thiệu trong bài viết này đều là những hạng mục cần phải có nếu bạn mong muốn công việc thiết kế của mình trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tổng hợp những công cụ cần thiết cho designer chuyên nghiệp
Nhà thiết kế là những con người bận rộn. Đây là sự thật. Họ không chỉ phải dành thời gian để tìm cảm hứng cho dự án tiếp theo, quản lý các ý kiến phản hồi, tham gia các buổi họp, giao tiếp với khách hàng – các nhà thiết kế cần phải ngồi xuống và làm việc chuyên môn của mình. Đừng quên những khi họ phải dốc hết sức mình vào việc lên mẫu cho một ý tưởng, làm minh họa để các tác phẩm của mình bắt kịp xu hướng lẫn những nỗ lực không ngừng nghỉ cho mỗi “đứa con” của mình. Vai trò của một “Designer” chắc chắc luôn nhiều hơn ở việc “tô màu”.
Để làm giảm đi khối lượng công việc của một nhà thiết kế phải chạy đua với tiến độ, chúng tôi đã đề ra một danh sách sau đây liệt kê ra những phần mềm, ứng dụng, công cụ, kỹ năng, website, và các nguồn tài nguyên sống còn dành cho một designer thực thụ.
Chúng tôi cũng đã chia danh sách này thành 10 phần trọng điểm để bạn có thể tìm đúng thứ mình cần ngay tức khắc – bởi lẽ các bạn vốn là những con người bận rộn cơ mà!
Phần cứng
1. iMac hoặc MacBook
Nói một cách nghiêm túc, hiện nay hầu hết các phần mềm thiết kế đều có phiên bản cho PC và Mac – việc bạn chọn nền tảng nào đều không quan trọng. Tuy nhiên, các thế hệ máy Mac với hệ điều hành độc lập mạnh mẽ và trực quan cùng tính năng tích hợp hỗ trợ các thiết bị thiết kế ngoại vi đã biến chúng trở thành thiết bị yêu thích cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Chọn lựa iMac hoặc MacBook sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn – cần di chuyển nhiều hay chỉ làm việc tại chỗ. Tuy nhiên nếu bạn muốn linh hoạt – chúng tôi thực sự khuyên bạn nên có cho mình chiếc MacBook.
2. Máy ảnh DSLR
Có thể bạn sẽ không muốn luôn luôn dùng các hình ảnh tự chụp khi lên thiết kế, song việc ở hữu một chiếc DSLR tốt vẫn rất chính đáng và cần thiết để việc ghi lại các ý tưởng hoặc những cấu trúc bề mặt thú vị dự phòng. Một trong những chiếc DSLR thường được sử dụng nhất chính là Canon EOS 1200D – giá mềm, và khả năng cho ra những hình ảnh 18MP.
3. Moleskine
Với tất cả những công nghệ hiện có, ta vẫn chưa thể đánh bại được sức hấp dẫn của dòng bút kiểu cũ và giấy để tập trung brainstorm ý tưởng lẫn concept. Vậy tại sao lại không dùng những tập sketchbook phong cách từ Moleskine hay Field Notes? Giữ chúng trong túi xách và bạn có thể ghi lại những ý tưởng tuyệt vời dù ở bất kỳ nơi đâu.
Công cụ tìm kiếm
1. Dribble
Nói một cách ngắn gọn, Dribble là một nguồn tài nguyên cao cấp cho việc tìm kiếm và kết nối với những nhà thiết kế tài năng trên toàn thế giới. Các nhà thiết kế có thể upload hình ảnh hoặc GIFs để những người dùng khác đặt câu hỏi, feedback, và tham luận về những lựa chọn khả thi khác dành cho sản phẩm đó.
2. Computer Arts
Từ những năm 1995, Computer Arts đã trở thành cuốn tạp chí được săn lùng bởi những ai yêu thích đồ họa. Mỗi một chủ đề được đính kèm lời khuyên, ý kiến, dự án liên quan và một loạt những gợi ý về cảm hứng để tạo thành một nguồn tài nguyên vô giá cho các nhà thiết kế sáng tạo chuyên nghiệp. Nếu đây vẫn chưa đủ thỏa mãn – bạn vẫn có thể lựa chọn cho mình bản in đầy đủ của Computer Arts, bản tương tác đầy đủ trên iPad, hoặc cả hai.
3. Niice
Niice là một công cụ tuyệt vời cho việc thu thập ý tưởng và thể hiện chúng nhanh chóng hơn. Giao diện kéo thả tương tác cho phép bạn tạo ra những moodboard hoành tráng chỉ trong vòng vài phút. Bạn cũng có thể tiếp cận và tạo ra những không gian cá nhân để thu thập hình ảnh cảm hứng mà không lo bị lộ ra bên ngoài bởi những công cụ tìm kiếm khác.
Công cụ layout
1. Modularscale
Một trong những thách thức thường thấy của dân thiết kế web chính là việc xác định chính xác các tỉ lệ của kích thước font. Và Modularscale chính là người trợ lý hoàn hảo cho vấn đề này. Ứng dụng cho bạn quyết định tỉ lệ chính xác và đồng thời cung cấp kích cỡ code CSS khi cần copy – paste vào một stylesheet.
2. Responsify
Ứng dụng tạo khung lưới online rất hữu ích cho các Template responsive HTML/CSS, và Responsify là đỉnh của đỉnh trong hàng loạt những ứng dụng này. Tính năng ưu việt bao gồm khả năng tự tạo khung, và từ đó dùng tham khảo để tạo nên cái riêng cho mình. Responsify cũng là công cụ lý tưởng cho việc minh họa và giúp hiểu rõ hơn về khoảng trắng giữa các cột và nội dung trang.
3. Golden ratio Calculator
Dù đây không phải là phát minh mới của giới design (tỉ lệ vàng gần như đã được 2400 tuổi), tuy nhiên nó lại được tìm thấy ở hầu hết các cá thể tự nhiên và được ứng dụng vào bố cục thiết kế. “Hai thành phần sẽ hòa lẫn với nhau một cách hoàn hảo khi đạt được tỉ lệ 1:1.618”. Rõ ràng chúng ta không cần gắng gượng ghép tỉ lệ vàng vào mỗi thiết kế, nhưng việc hiểu đây là nền tảng giá trị khi làm việc thật sự luôn cần thiết. Và Golden ratio Calculator giúp chúng ta tính toán tỉ lệ này cho mọi bố cục không gian.
Công cụ thương hiệu
Logo là bộ mặt của cả một công ty. Tuy nhiên để thể hiện “đúng” một logo không phải là chuyện dễ – và nếu bạn đang phải đau đầu với hệ thống nhận diện thương hiệu của mình, một số công cụ tạo ra logo chất lượng cao sau đây đang chờ bạn khám phá.
1. Spaces
Spaces là một công cụ đơn giản một cách tuyệt vời để tạo logo trong vòng vài nốt nhạc. Tất cả những gì bạn cần chính là nhập vào tên công ty, những từ khóa, và Spaces sẽ tự động tạo nên hàng trăm logo có liên quan đến những nội dung trên. Bên cạnh đó bạn vẫn có thể nhập thêm lựa chọn về màu, về typography để phản ánh đúng tính chất thương hiệu của mình.
2. GraphicSprings
Thêm một ứng dụng tạo logo mạnh mẽ khác là GraphicSprings. Thực tế, đây có thể là công cụ mạnh mẽ nhất trong list này với hàng loạt tùy chỉnh. Một trong những đặc tính nổi bật chính là logo được tạo nên dựa trên loại hình kinh doanh – chẳng hạn ở mảng thực phẩm, thể thao hoặc các hình thức trừu tượng khác. Và nếu đó vẫn chưa đủ? Hãy cộng tác với những nhà thiết kế trên GraphicSprings để có riêng cho mình một logo ưng ý nhé!
3. Giấy và bút
Dù đã liệt kê ra một vài ứng dụng hữu ích trên đây, song bạn cũng không thể phủ nhận rằng chính việc phác thảo ra logo trên giấy thay vì thiết kế thẳng bằng máy tính mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Một khi đã có ý tưởng, bạn có thể sử dụng phần mềm để phát triển ra thiết kế logo cho chính mình.
Công cụ Typography
1. Typewolf
Typewolf được bắt đầu vào năm 2013 như một lời hồi đáp cho tình trạng “thiếu hụt những nguồn tài nguyên chất lượng vào việc lựa chọn font cho các dự án thiết kế”. Mọi thứ về Typewolf đã đạt được mong đợi của các designers – chính là khả năng nhìn vào việc thể nghiệm trên những website thực tế trái với các dòng “lorem ispum” bất tận.
2. Typekit
Typekit là một dịch vụ đăng ký sử dụng font chữ được tuyển chọn từ hàng ngàn đối tác với chất lượng cao – cho các trình duyệt đơn giản, dùng trong thuyết trình hay trên web, đều rất ổn. Đây được xem như nguồn cảm hứng vô tận về Typography trên internet.
3. Typecast
Typecast cung cấp kiểu chữ đúng chuẩn trên web. Có hơn 23000 font chữ theo ý của bạn và có thể kết hợp cùng nhau. Bạn cũng có thể mở rộng các cặp lựa chọn thành tỉ lệ tối đa, sẵn sàng lên web, điều chỉnh khoảng cách và màu sắc nội dung nhờ vào phần điều khiển đơn giản và trực quan.
Công cụ phối màu
1. Mudcube Color Sphere
Mặc dù không có được cái tên mỹ miều, Mudcube Color Sphere là một nguồn tài nguyên hữu ích cho các nhà thiết kế. Ứng dụng cho phép tạo nên bảng màu từ một tông có sẵn và cung cấp cả thông số từng màu.
2. Pictaculous
Là một công cụ tạo bởi những nhà sáng lập MailChimp. Ở đây cho phép bạn upload bất kỳ hình ảnh và Pictaculous sẽ phân tích bảng màu từ những hình ảnh đó.
3. COLOURlovers
Không hẳn là công cụ phân tích màu, hơi giống phiên bản Pinterest dành cho màu sắc. Đây là cộng đồng chia sẻ các bảng màu, bảng phối và họa thiết. Một nguồn cảm hứng về màu sắc siêu đáng giá.
Công cụ nhiếp ảnh
1. VSCO Cam
Ứng dụng quá quen thuộc – để điều chỉnh ảnh và kết nối với những nhiếp ảnh gia tài năng trên toàn thế giới. Nó đi kèm với loạt tính năng tuyệt vời bao gồm các bộ lọc và nhập nhiều ảnh chất lượng cao cùng lúc. VSCO Cam cũng đưa ra so sánh hình ảnh trước và sau để việc chỉnh sửa trở nên dễ dàng.
2. PicLab HD
Mặc dù về mặt giá trị, ứng dụng còn có vẻ khá đơn giản song hàng loạt tính năng mạnh mẽ đang chờ bạn bên dưới lớp áo giản dị này. Tạo phông chữ theo ý thích, kiểm soát vị trí, kích thước, tương phản, màu sắc là những lựa chọn dành cho bạn.
3. PicMonkey
PicMonkey là công cụ trau chuốt hình ảnh cho các blog cá nhân mà không cần dùng đến Photoshop. PicMonkey có thể thêm viền, chữ, hình ảnh đồ họa, chỉnh màu mà không cần tải thêm bất kỳ phần mềm nào khác.
Công cụ minh họa
1. Paper by FiftyThree
Paper là ứng dụng phác thảo hoàn hảo cho các sketch thiết kế. Bằng việc sử dụng thứ gọi là “expressive ink engine” – có nghĩa khi bạn sử dụng tay để vẽ, nó phản ứng với chuyển động của bạn để đường nét trở nên giống với các trải nghiệm khi vẽ tay. Các trang sketch có thể được chia sẻ qua email, trên Facebook, Twitter hay Tumblr.
2. Astropad Graphic Tablet
Một trong những lợi ích chính của Astropad Graphics Tablet chính là việc nó hoạt động như một ứng dụng iPad và một ứng dụng Mac tương ứng – biến iPad thành một máy tính bảng đồ họa. Tính năng tiện lợi này cho phép bạn sử dụng iPad để vẽ trực tiếp vào Photoshop hoặc những ứng dụng thiết kế khác trên Mac.
3. Adobe Illustrator Draw
Vẽ vector trên tablet hoặc điện thoại chỉ với Adobe Illustrator Draw – nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Bạn thậm chí còn có thể vẽ những đường thẳng và cong hoàn hảo để kết hợp với hình ảnh từ nhiều nguồn cùng lịch sử undo/redo lên đến 50 lần. Công việc giờ đây dường như đã dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Công cụ thuyết trình
1 Prezi
Prezi là một công cụ thuyết trình trực tuyến cực kỳ sáng tạo, cho phép bạn kết hợp video, hình ảnh và văn bản, và hoạt hình chúng bằng việc sử dụng một loạt các hiệu ứng. Nó cũng cho phép bạn chạy các bài thuyết trình của bạn như các tập tin thực, hỗ trợ tất cả các máy tính để bàn và trên cả nền tảng di động. Các bản thuyết trình cuối cùng có thể được chia sẻ trực tiếp từ các ứng dụng trên tất cả các mạng xã hội lớn.
2. Placeit
Mặc dù không phải là một công cụ trình bày sáng tạo đầy đủ chính thức, PlaceIt lại cực kỳ hữu ích cho việc trình bày hình ảnh trong cuộc sống hoặc các thiết kế . Chỉ cần tải lên các thiết kế của bạn và chúng sẽ được đặt trực tiếp vào Creative Commons thành stock hình ảnh và khiến thiết kế trở nên thật hơn.
3. Visme
Công cụ miễn phí này là một ứng dụng kiểu tất cả-trong-một cho việc tạo ra các bài thuyết trình sử dụng một loạt các tùy chọn kéo-thả trực quan. Nếu bạn đang cần sự sáng tạo, có sẵn luôn ở đây một số mẫu trình bày đẹp để tùy chọn sao cho phù hợp với nội dung chính của bài thuyết trình. Một trong những tính năng chính của Visme chính là tốc độ cùng sự linh hoạt, cũng như khả năng truy cập vào bài thuyết trình của bạn ở bất kỳ đâu trên các thiết bị điện tử.
Môi trường làm việc
1. Ghế
Làm việc xuyên màn đêm để kịp deadlines là con đường mòn mà bất kỳ nhà thiết kế nào cũng phải bước qua. Điều này có nghĩa, các nhà thiết kế phải ngồi hàng giờ trên ghế – và việc chọn cho mình một chiếc ghế phù hợp thật sự rất quan trọng. Bạn có thể lựa cho mình chiếc ghế Herman Miller Aeron với sự thoải mái theo nhân trắc và điều chỉnh một cách tự nhiên với cơ thể và dáng ngồi, và hình dáng cũng khá thanh lịch. (Lưu ý một số mẫu có thể hơn $1300)
2. Bàn làm việc
Kể cả khi có được một chiếc ghế tốt, ngồi cả ngày cũng không có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên chẳng ai muốn đứng dậy cả ngày bao giờ – mặc cho có những lời khen ngợi dành cho bàn đứng khi sử dụng. Tại sao lại không là cả hai? Varidesk Pro là chiếc bàn tân tiến nhất hiện có khi bạn có thể nâng lên thành bàn đứng chỉ trong vài bước và quá trình đảo lại tương tự khi bạn muốn ngồi làm việc. Giá cao có thể không là gì khi bạn nhận thấy được lợi ích của chúng dành cho lưng và chân của mình.
3. Tai nghe
Một cặp tai nghe tốt được xem như khóa suy nghĩ trong thời điểm hiện tại. Để tập trung cao độ, Master&Dynamic MH40 phủ tai được thiết kế để loại bỏ bất kỳ tiếng ồn nào gây xao nhãng công việc. Và chúng quá “ngầu” để chỉ nằm gọn trong túi nên hãy kê cho chúng một vị trí thật “kêu” trên bàn làm việc của mình nhé.
Các công cụ mới cần được chú ý
Cuộc khảo sát gần đây cho thấy mức độ phổ biến của các công cụ thiết kế – Photoshop đang dần giảm sút. Điều này cho thấy rằng các nhà thiết kế luôn cởi mở với các công cụ mới nếu như chúng hữu ích cho công việc của mình.
Và sau đây là 3 đề cử cho năm 2016:
1. Ceros
Là một công cụ mới cho việc sáng tạo nội dung với nhà thiết kế và marketer. Sử dụng ứng dụng này cho phép bạn tạo ra loạt các nội dung tương tác bao gồm tạp chí, Microsites, infographic, ebook và hơn thế nữa.
2. UXPin
UXPin không phải là một công cụ mới và đang được sử dụng bởi hàng ngàn nhà thiết kế toàn cầu. UXPin cũng vừa công bố họ đang tiến hành một công cuộc chỉnh sửa toàn diện, và bạn có thể đăng ký để nhận được thông báo về việc ra mắt bản cập nhật mới nhất.
3. Fuse
Đây là công cụ UX trực quan thích hợp cho các nhà phát triển lẫn nhà thiết kế. Một trong những tính năng chính của Fuse chính là khả năng tạo ra và cập nhật giao diện của ứng dụng trên nhiều thiết bị cùng lúc ở thời gian thực. Tuy nhiên Fuse hiện chỉ có sẵn cho người dùng Windows và OS X.
iZdesigner hi vọng bài viết đã chỉ ra được một số công cụ hữu ích cho công việc của bạn – giúp bạn ngày một thành công, có nhiều nguồn cảm hứng và những thiết kế đặc sắc.
Tổng hợp những công cụ cần thiết cho designer chuyên nghiệp
0 Nhận xét